Đây là bài chia sẻ của bạn Hoàng Thị Hằng, học viên Xóa Mù Tiếng Anh khóa 3. Hiện Hằng phụ trách pháp lý cho Hệ thống siêu thị Takashimaya Việt Nam.
Trong bài này, Hằng chia sẻ: để đạt được IELTS speaking 7.5 thì nền tảng phát âm phải tốt, tìm được thầy hay để luyện kỹ năng và… may mắn. Enjoy reading nha !
Xin lỗi mọi người vì giờ mình mới note lại được. Bài chia sẻ dài ngoằng này được tóm gọn lại từ kinh nghiệm của riêng mình. Mình cố gắng share tất cả những gì mình đã trải qua và hi vọng có thể giúp được bạn nào đó sắp thi hoặc sẽ có dự định thi để có kết quả tốt hơn. Mặc dù vậy, mấy cái này cũng chỉ là kinh nghiệm bản thân, nên mọi người xài được cái nào thì xài nhé, bởi phương pháp không bao giờ là tối ưu cả.
Mình thi IELTS ngày 10/09 vừa rồi, và cũng bất ngờ vì giám khảo cho những 7.5 lận, điểm số cao nhất trong 4 môn thi của mình. Các bạn yên tâm, xuất phát điểm của mình một năm trước đây cũng củ chuối lắm, mình sẽ share lại hành trình speaking và cách ôn speaking IELTS sao cho hiệu quả.
Thứ nhất, PHÁT ÂM
Cái này mình học được từ chị Hằng. Mình đã học tiếng anh từ lớp 6, tuy nhiên tới lúc ra trường và đi làm 2 năm thì level không khác là mấy. Không nói được, không nghe được, thấy người nước ngoài mừng như bắt được vàng những chỉ dừng lại là “ngắm” chứ không dám mở miệng. Mình học lớp Líu Lưỡi của chị Hằng và nhận ra phát âm là thứ quan trọng nhất để bắt đầu hành trình. Nên các bạn yên tâm là đang đi đúng hướng rồi nhé.
Phần phát âm mà mình đã học thực sự phát huy hiệu quả rất nhiều, cả trong công việc và trong cả lúc học IELTS. Bởi nhiều bạn trong lớp luyện thi của mình, ngoài phải soạn chủ đề, lại phải bắt đầu luyện lại phát âm rấ vất vả, vì dù phần chuẩn bị tốt đến mấy mà examiner không hiểu thì cũng vô ích. Trong lúc đó thì mình chỉ dành thời gian ôn các kĩ năng khác vì phát âm cũng tạm tạm rồi.
Thứ hai, ACCENTS
Lúc mình đăng ký thi ở BC, mọi người hù rằng ai giọng Anh Anh thi ở đó mới điểm cao. Còn ai giọng Anh Mỹ thì nên thi ở IDP. Theo mình thì chưa chắc đúng đâu, bằng chứng là cái tiếng anh hỗn tạp của mình. Do môi trường làm việc nên tiếng anh của mình bị thập cẩm của Anh, Sing và Nhật. Nên mỗi ngày phải gắng nghe BBC để không bị “nhiễm”. Điều mình muốn nhắn nhủ là môi trường rất quan trọng, các bạn cố gắng nếu có thể, hãy chọn môi trường làm việc ở các công ty nước ngoài, Anh hoặc Mỹ càng tốt để bạn có thể luyện accent trực tiếp luôn. Vì mình nghĩ giao tiếp là một quá trình, bạn không thể giỏi nếu chỉ đi học mấy lớp giao tiếp hay luyện vài câu với bạn mình được, chỉ khi nào nó là một phần cuộc sống của bạn thì nó mới thực sự là giao tiếp thôi.
Thứ ba, ĐỘ TRÔI CHẢY VÀ TỰ NHIÊN
Trong lớp luyện IELTS của mình, có một bạn độ trôi chảy cực kỳ tốt, phải nói là kinh hoàng. Nhưng đó lại là điều mà thầy mình lo lắng vì bạn speaking quá trôi chảy như thế sẽ mất đi độ tự nhiên, đôi khi gặp câu khỏi phải giả vờ suy nghĩ, rồi bắn ý ra từ từ, đó mới là chiến lược tốt nhất. Bạn í thi được 7. speaking mặc dù overall là 7.5. Nên mình nghĩ hãy xem phần thi speaking là một cuộc nói chuyện giữa hai con người thôi, cố gắng nhớ được bài chuẩn bị càng nhiều càng tốt để đỡ run và đảm bảo được sự tự nhiên. Riêng bản thân mình lúc đi làm hay bị sếp kêu trả bài bất thình lình, lúc nào cũng cố gắng tìm cách giải thích nên cũng quen dần và không bị run. Tới lúc đi thi, phần vì ngày thi là ngày mình hết bệnh, phần vì bác examiner đẹp lão ngời ngời dễ thương mà mọi thứ suôn sẻ. Mình vẫn còn nhớ giọng cười sảng khoái của bác ấy trong phần trả lời Task 3 của mình.
Thứ ba, CHUẨN BỊ PHẦN THI IELTS SPEAKING
Ở lớp IELTS của mình, thầy không đi sâu vào Speaking nhiều mà chỉ cho các topic theo dạng group và mỗi người tự soạn bài của mình. Vì chủ đề của IELTS thì nhiều vô kể và không thể nào học tủ được. Nên cách của Thầy là chuẩn bị tầm 5 chủ đề nhóm, ai muốn thì chuẩn bị thêm và mình thấy đa số các bạn đã thi đều áp dụng tốt. Cái quan trọng là khi bạn nhận cue card thì bạn có thông minh để “đá” về chủ đề mà mình đã chuẩn bị hay không? Ví dụ đề mình thi hôm vừa rồi nhé. Cue card của mình là:
“Hãy kể về trải nghiệm lần đầu tiên bạn ăn một cái gì đó?
– Nó là gì?
– Ăn ở đâu?
– Ăn khi nào?
– Vì sao lại ăn lần đầu tiên?
– Cảm giác của bạn như thế nào?”
Mình link ngay tới bài mà mình đã chuẩn bị về món ăn truyền thống. Và cứ thế thao thao bất tuyệt.
Riêng về thời gian của Task 2 là 2 phút. Các bạn nên nói tầm 1 phút 45 trở lên và ghi nhớ là phải nói được tất cả các yêu cầu. Thiếu cái nào là trừ điểm cực nặng luôn đó. Mình đã luyện ở nhà nhưng gặp phải một vấn đề chung đó là:
– Nói chậm và rõ thì không hết bài và quá 2 phút. Nguy cơ thiếu ý và bị giám khảo cắt ngang rất cao.
– Nói nhanh để đủ bài chuẩn bị thì có thể không đảm bảo phát âm chuẩn và còn tạo nghi ngờ cho giám khảo là mày trúng tủ.
Vì vậy mình chọn cách rút ngắn phần chuẩn bị bằng cách rút các technical terms của các ý trên lại, tập trung nhiều vào phần WHY (thường là ý cuối cùng). Phần này mình hay lồng các trải nghiệm cá nhân vào để cho nó thêm thú vị. Điều này giúp mình vừa đảm bảo đủ ý, lại không bị trùng lặp với các bài mẫu.
Thứ tư, KINH NGHIỆM ĐI THI
Kinh nghiệm của mấy anh chị đi thi trước kể là: “Gặp giám khảo già thì mừng, trẻ thì thường cho điểm thấp vì nó expect cao; giám khảo mà thân thiện quá là ổng cho điểm thấp ak, hoặc dạng giám khảo không thèm nghe thí sinh nói chỉ ngồi nghịch điện thoại thì lại là những người cho điểm thoải mái”. Tuy nhiên, Examiner của mình là một bác người Anh khá già nhưng vô cùng thân thiện và thoải mái. Phần speaking của mình nói đúng hơn là một cuộc nói chuyện hơn là phần thi, tầm khoảng 30 phút, nhiều nhất là khoảng 15 câu hỏi cho Task 3. Kết thúc khá tốt đẹp nhưng lúc bước ra cửa, mình phát hiện ngay ra các vấn đề nghiêm trọng là:
– Thứ nhất, mình không dùng các từ band cao như đã học. Các bài chuẩn bị của mình thường được highlight những từ vựng như thế và đã cố gắng học thuộc. Nhưng khi vào thi, vì lý do phải tìm ý và từ vựng liên quan thật nhanh nên nghĩ ra cái gì nói cái đó và quên mất mấy từ khó kia. Kết quả thi xong ra tới cửa vẫn còn hoang mang. Vì vậy, mọi người cố gắng xài các từ điểm cao, idioms để đạt điểm cao hơn nhé.
– Thứ hai, không kiểm tra thời gian. Lúc thi thì examiner có để một máy ghi âm sát bên bạn, bạn cũng có thể check thời gian nhưng thật sự lúc đang nói, khó mà liếc mắt nhìn được. Vì thế nên mình không biết mình nói trong bao lâu. Vậy nên các bạn nhớ luyện tập thật kỹ để tránh quá giờ. Vì nhiều examiner sẽ cắt ngang bạn nếu quá 2 phút và trừ điểm nếu bạn nói chưa đủ ý theo cue card.
– Thứ ba, mình gặp một câu hỏi không nghe rõ. Lúc ở Task 1, examiner có hỏi về trồng hoa nhưng mình không nghe rõ từ “grow” nên phải nhờ nhắc lại 3 lần. Cũng vì bản thân phát âm sai từ này nên lúc hỏi nghe không hiểu. Mọi người cố gắng hạn chế trường hợp này, bởi bị bỏ qua câu hỏi thì bị trừ điểm cũng khá nặng.
Bên cạnh đó, đi thi phải diễn sâu một tý và phải hài hòa giữa 3 Tasks của speaking. Vì nếu Task 2 trúng tủ quá xuất sắc mà Task 1 và Task 3 ú ớ thì họ biết ngay mình trúng đề, và có thể trừ điểm của bạn. Task 3 cố gắng chỉ trả lời trực tiếp, đừng đi lòng vòng.
Ngoài ra, cứ tự nhiên tranh luận những gì examiner vặn vẹo lại nhé. Luôn tự đặt câu hỏi WHY và bảo vệ chính kiến của mình. Lần thi vừa rồi, mình được hỏi mấy câu như vầy:
“Examiner: Bạn nghĩ thế nào về quảng cáo của các công ty thức ăn nhanh?
Ờ, tui nghĩ nó không tốt. Suốt ngày khuyến khích con nít ăn dầu mỡ nên tỷ lệ béo phì ngày càng cao. Nó toàn đưa thông tin sai sự thật về lợi ích của thức ăn nhanh.
Examiner: Vậy tại sao nó không tốt mà nhiều người vẫn ăn?
Vì nó ngon mà. Bản thân tui cũng thích.
Examiner: Nó sai sự thật nhưng tại sao quảng cáo của nó lại càng ngày càng tăng?
Chính bởi vì nó không tốt nên nó quảng cáo nhiều để mọi người tin rằng nó ngon bổ rẻ. hơn nữa, cái gì tốt thì tự bản thân không cần pr. ví dụ đồ organic.
Examiner: Bạn nghĩ chính quyền có thể làm gì để han chế mấy cái đó? Bla…bla…”
Examiner có nguyên một cuốn sổ đề và kinh nghiệm dày dặn để xem thí sinh có khả năng phản xạ nhanh hay không nhé.
Cuối cùng, MAY MẮN
Cái này tuy nhỏ nhưng nhiều khi sức ảnh hưởng cực lớn. Hành trình học tiếng anh của mình luôn gặp những may mắn. Đó là gặp chị Hằng khi bản thân mình thực sự muốn thay đổi về Tiếng Anh nhưng không biết bám víu vào đâu. Chị Hằng là người thầy mình kính trọng và biết ơn nhất. Kế tiếp là thầy dạy IELTS của mình, một con người đáng nể và cực kỳ thương học trò. Chính thầy đã giúp mình từ bài thi đầu vào thảm tệ tới ngày đạt được 6.5 IELTS, mặc dù điểm số này không cao và cả thầy lẫn trò đều buồn vì sự cố đáng tiếc, nhưng như thế đã là một bước tiến của mình trong bốn tháng vừa học vừa ôn. Mặc dù học phí khá mắc nhưng mỗi buổi học không bao giờ mình thấy tiếc tiền. May mắn của mình còn là bác sếp Nhật dễ thương dám nhận một nhân viên tiếng anh còn bập bẹ, trả lời phỏng vấn mà cứ như đang phát biểu vì vừa nói vừa nghĩ từ vựng. và không thể thiếu bác examiner dễ thương đã cho mình điểm 7.5 môn speaking.
Tóm gọn lại, mớ kinh nghiệm của mình hơi lộn xộn và dài dòng, hi vọng có thể giúp được mọi người phần nào đó trên hành trình tiếng anh của mình.
PHẦN 2: KỶ LUẬT BẢN THÂN LÀ CẦN THIẾT
PHẦN 3: PHẢI HỌC NGHE TRƯỚC
PHẦN 4: KHÔNG NÊN ĐI TẮT, ĐÓN ĐẦU
PHẦN 5: XÂY DỰNG VỐN TỪ VỰNG NHƯ THẾ NÀO?
PHẦN 6: VIẾT IELTS – NÊN ĐỨNG TRÊN HAI CHÂN
PHẦN 7: VIẾT NHIỀU SẼ TIẾN BỘ DẦN
PHẦN 8: TÍCH TIỂU THÀNH ĐẠI
PHẦN 9: HỌC PHÁT ÂM NHƯ THẾ NÀO?
PHẦN 10: HỌC TỪ VỰNG – NGHE- ĐỌC?
PHẦN 11: HỌC NGHE VÀ ĐỌC NHƯ THẾ NÀO?
PHẦN 12: HỌC VIẾT NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CÓ HIỆU QUẢ?
PHẦN 13: HỌC NÓI NHƯ THẾ NÀO VÀ HỌC SÁCH GÌ?
PHẦN 14 – CÁC KỶ THUẬT NHỎ TRONG PHÒNG THI
PHẦN 15: TÌNH THƯƠNG LÀ ĐỘNG LỰC CỦA MÌNH
PHẦN 16: KINH NGHIỆM THI IELTS SPEAKING 7.5 CỦA HỌC TRÒ (CŨNG TÊN HẰNG)
PHẦN 17: TẠI SAO PHÁT ÂM QUAN TRỌNG NHƯNG ÍT ĐƯỢC DẠY?
Muốn được Hằng trực tiếp tư vấn Phương pháp học Tiếng Anh, Luyện thi IELTS, apply học bổng và Du học
Đăng ký vào link này, Hằng sẽ tư vấn riêng cho các bạn, free.
Muốn tham gia các khóa học của Hằng, đây là Thông tin các lớp và Lịch khai giảng.