Phải thừa nhận một điều rằng, mình không có năng khiếu học tiếng Anh và nó cũng không phải là môn học yêu thích của mình dù ở trường kết quả học tập không đến nỗi tệ. Hè lớp 5 lên lớp 6, ba cho mình đi học hè tiếng Anh. Cô giáo vừa tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm Quảng Trị. Cô cao, tóc cô rất dài, cô viết từ mới, phiên âm và nghĩa của từ đầy bảng. Mình ngồi dưới chép lại phiên âm đó. Nó khó kinh ! Rồi sau đó cứ mỗi cấp hoc, mình hoàn thành một chứng chỉ Headway A, B và C. Dù đạt điểm cao và lấy được các chứng chỉ nhưng trong thâm tâm mình biết là mình không thể sử dụng tiếng Anh được. Nó thiếu cái gì đó.
Cuối năm 3 Đại học, mình có một chuyến internship sang Kyoto, Nhật hai tuần. Cứ mỗi lần đến giờ trình bày của giáo sư và của các bạn là mình ngủ li bì vì tập trung cao nên mệt và buồn ngủ. Trong một lần đi trên đường mình mơ màng mất tập trung nên bị lạc các bạn. Trời mưa to gió cứ tát vào mặt, mình che cái dù màu trắng đứng giữa đường không biết phải làm sao. Gặp hai mẹ con thủ thư người Nhật không biết tiếng Anh, mình dùng mọi nỗ lực giải thích họ cũng không thể hiểu. Chợt nhớ ra là thầy Mizuno ghi số điện thoại liên lạc của thầy đằng sau cái bảng tên đeo trước ngực. Mình đưa cho cô, cô lấy số gọi cho thầy đến đưa về. Mình được một phen hú hồn hú vía.
Kết thúc chuyến internship đó, các bạn trong nhóm ai cũng có bài trình bày những điều học đươc bằng powerpoint rất lưu loát kèm hình ảnh minh hoạ rất sống động. Mình không biết nói cái gì và nói như thế nào. Cuối cùng thầy Mizuno nói em hãy kể lại việc em bị lạc đường như thế nào? Mình cũng không biết kể làm sao, khua tay múa chân lép nhép một hồi cũng xong.
Đến lúc về lại Việt Nam bằng máy bay, mình ngồi trước thầy trưởng đoàn và nghe rõ thầy nói với một bạn ngồi bên. Trong nhóm mình có 3 bạn tiếng Anh rất tốt, hai bạn chưa tốt nhưng có khả năng học và tiến bộ được còn hai bạn thì rất khó để dùng được tiếng Anh. Mình phân vân không biết mình thuộc nhóm hai bạn đầu hay hai bạn sau nữa. Sau này mình nói với học trò, phải có cái gì đó làm em rất nhục, nhục khi không nói được tiếng Anh, điều đó mới làm em học được.
Một chiều tháng 7 trước khi bay sang Nhật thì cũng là lúc em trai thứ 3, cu Lỳ lên bàn mổ thoát vị đĩa đệm ở bệnh viện trung ương Huế. Cả trưa hôm đó mình đạp xe đạp chạy khắp thành phố Huế để mượn hai triệu đưa cho ba đề phòng em mổ lỡ có điều gì đột xuất cần tiền. Mình sang Nhật mà lòng rối bời lắm, không biết em ở nhà mổ có sao không, có hồi phục được chưa, hồi đó điện thoại không phổ biến như bây giờ để có thể liên lạc quốc tế được. Những lo lắng và suy nghĩ đó làm mình không thể tập trung cho việc học và vui chơi cùng các bạn được. Mình đỡ đẫn !
Kết thúc hai tuần học, mình về đến Huế thấy em nằm trên giường phờ phạc, không cử động được, cứ 4-6 tiếng là chị y tá đến tiêm thuốc, nếu không nó kêu đau, nó khóc. Cực nhất là lúc nữa đêm, khi hết thuốc giảm đau, nó khóc quá trời, kêu la ba ơi con đau quá. Ba giục mình xuống nhờ chị y tá lên tiêm thuốc cho em. Mình luống cuống chạy xuống cầu thang trong đêm, xuống phòng y tá thấy các chị đang ngủ. Mình không nỡ thức các chị dậy, lại chạy lên phòng đứng ngoài cửa nhìn vào, thấy em khóc la tội quá, ba cũng đang khóc theo vì thương con, mình lại chạy xuống. Chạy mấy vòng như vậy mới đủ can đảm gõ cửa phòng của chị y tá. Tiêm xong nó ngủ đến sáng, mình cũng chợp mắt một chút rồi chuẩn bị cơm nước, giặt giũ cho em ngày hôm sau.
Quần quật hơn một tháng như vậy trong bệnh viện Trung ương Huế em trai mới xác định được là vết mổ bị nhiễm trùng bên trong và tiêm kháng sinh liều cao khoảng 10 ngày thì em ra viện. Ngày mình xuống làm thủ tục ra viện cho em cũng là lúc mình thấy ánh sáng mặt trời ngoài bệnh viện. Đó cũng là ngày cậu út – em của mạ nhập viện vì bệnh gan. Từ nhỏ mình sống với cậu, đi giữ bò, đi chơi quanh làng, đi xem phim rạp ở hợp tác xã với cậu nên hai cậu cháu thương nhau lắm. Cậu đi củi trên rừng mỗi chuyến 10 ngày mới về. Mình đếm ngược từng ngày chờ cậu về, cứ cách một hai ngày là hỏi mệ ngoại: còn mấy ngày nữa cậu về mệ? Đến ngày thứ chín thứ mười là mình cứ ngóng phía bến sông Thạch Hãn chờ một người vác cái gì đó trên lưng đi về hướng nhà ngoại. Lòng miềng vui rộn ràng.
Lúc mình còn nhỏ, ba mạ ra nội làm ăn. Mình sống với mệ ngoại và các cậu dì. Mỗi lần mình khóc vì nhớ ba mạ, cậu bồng vào chuồng gà hỏi ưng con mô? Miềng chỉ tay con mô là tối hôm đó có cháo gà. Mệ có đàn gà đỏ sân, đến lúc mình lớn là không còn con nào.
Sau này khi nhà mình chuyển sang Ái Tử sinh sống. Mùa đông ba không đi làm tôm cá được, nhà thiếu gạo, mình về ngoại xin gạo, lúc nào cậu cũng vào chồ xúc gạo, lấy rơm về giữ ấm cho heo ngủ. Cậu giúp cả nhà vượt qua những ngày khốn khó. Mình dành cả tuổi thơ và niên thiếu với cậu, mình thương cậu, thương rất nhiều. Cậu vào nhập viện, nằm trên giường phẫu thuật, toàn thân trắng bệch, trên miêng dính máu. Bên ngoài và mự và các cậu đang tính toán chuyền máu thêm. Mự nói đã hết mười một triệu tiền máu rồi, chuyền máu như đổ nước vào đất cát, chừ còn bốn đứa còn nhỏ ở nhà, biết làm răng được. Đám tang cậu có lẽ là nỗi đau lớn nhất của mình, mình khóc đến cạn kiệt. Mình có trách nhiệm phải lo cho các em mình các các em của cậu.
Nếu trong nhà có một đứa em phải vào nhập viện như cu Lỳ nữa thì tiền đâu để lo cho các em. Mình không muốn nhìn cảnh em phải khóc than đau đớn trong đêm như vậy nữa. Nếu có tiền mình sẽ yêu cầu bác sỹ kiểm tra lại cho em mình hoặc chuyển viện chứ không chờ bác sỹ đi công tác cả tháng trời để em phải chịu đau đớn như vậy. Mình cần phải vững vàng để lo cho các em nếu có điều bất thường xảy ra. Mình cần vững vàng để lo cho các em và các con của cậu.
Đó chính là động lực học của mình, mình học vì thương các em, vì cảm thấy giúp các em là trách nhiệm của mình là giúp đỡ và nâng đỡ các em. Đó chính là nguồn động viên giúp mình vượt qua các chướng ngại của bản thân để tinh tấn trong học tập.
Sau này mình mới kinh nghiệm ra, khi mình đặt mục tiêu chỉ vì bản thân mình: muốn được đi du lịch, muốn có cuộc sống tốt hơn, muốn thăng chức, muốn kiếm được nhiều tiền…. mà không đặt câu hỏi tại sao mình muốn những thứ đó. Mình chỉ muốn dùng tiếng Anh để phát triển bản thân mà không có sự nâng đỡ và vì người khác thì rất khó để vượt qua những khó khăn trong quá trình phát triển của chính bản thân mình. Đây là quy luật của vũ trụ.
Do vậy hãy soi xét lại mục đích học tiếng Anh của chính bản thân mình, mình tin các bạn sẽ tìm ra và Hằng cầu mong các bạn thành công trong việc học hành.
PHẦN 2: KỶ LUẬT BẢN THÂN LÀ CẦN THIẾT
PHẦN 3: PHẢI HỌC NGHE TRƯỚC
PHẦN 4: KHÔNG NÊN ĐI TẮT, ĐÓN ĐẦU
PHẦN 5: XÂY DỰNG VỐN TỪ VỰNG NHƯ THẾ NÀO?
PHẦN 6: VIẾT IELTS – NÊN ĐỨNG TRÊN HAI CHÂN
PHẦN 7: VIẾT NHIỀU SẼ TIẾN BỘ DẦN
PHẦN 8: TÍCH TIỂU THÀNH ĐẠI
PHẦN 9: HỌC PHÁT ÂM NHƯ THẾ NÀO?
PHẦN 10: HỌC TỪ VỰNG – NGHE- ĐỌC?
PHẦN 11: HỌC NGHE VÀ ĐỌC NHƯ THẾ NÀO?
PHẦN 12: HỌC VIẾT NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CÓ HIỆU QUẢ?
PHẦN 13: HỌC NÓI NHƯ THẾ NÀO VÀ HỌC SÁCH GÌ?
PHẦN 14 – CÁC KỶ THUẬT NHỎ TRONG PHÒNG THI
PHẦN 15: TÌNH THƯƠNG LÀ ĐỘNG LỰC CỦA MÌNH
PHẦN 16: KINH NGHIỆM THI IELTS SPEAKING 7.5 CỦA HỌC TRÒ (CŨNG TÊN HẰNG)
PHẦN 17: TẠI SAO PHÁT ÂM QUAN TRỌNG NHƯNG ÍT ĐƯỢC DẠY?
Đăng ký vào link này, Hằng sẽ tư vấn riêng cho các bạn, free.
Muốn tham gia các khóa học của Hằng, đây là Thông tin các lớp và Lịch khai giảng.