Các vị thầy tâm linh cùng gửi một thông điệp: sống với hiện tại và nhìn sự thật như nó vốn là bằng nhiều cách diễn đạt và đưa ra các phương pháp thực hành khác nhau. Với bản thân mình, Osho là người thầy đầu tiên làm cho mình hiểu điều đó một cách trực diện và rỏ ràng. Quyển đầu tiên mình đọc là Tự do, Tình Yêu và Cô đơn, đó là quyển sách khai sáng và đến giờ nó là một phần trong cuộc sống của mình. Mình dành cả năm 2015 đắm chìm trong tư tưởng của ông và thông điệp cốt lõi trong các tác phẩm, bài nói chuyện là: Hãy thiền định, hãy chánh niệm. Cuộc sống không có thiền định là bạn đang sống một cuộc đời đã chết. Hơn 5 năm chiêm nghiệm và thực hành, mình đã có những bước trưởng thành trên con đường này và đã định hình rỏ ràng con đường sẽ đi. Mình biết ơn Osho là người thầy dẫn lối đầu tiên cho mình hướng vào trong.
Đọc nhiều sách về cuộc đời ông, tuổi thơ ông sinh ra và lớn lên có ảnh hưởng đến con đường sau này như thế nào. Nhưng có một điều mình băn khoăn ở chổ cái chết của ông, nó có điều gì đó không ổn, bất thường, mâu thuẫn và mình mang thắc mắc đó trong lòng trong nhiều năm liền. Cho đến hôm nay khi lướt Netflix, lướt qua một loạt phim đủ thể loại nhưng chẳng hứng thú với một bộ nào. Mình dừng lại một chút rồi đánh Osho vào mục tìm kiếm, thì ra một bộ phim tài liệu 6 tập với độ dài 7 tiếng về hành trình của Bhagwan ở Mỹ. Wow, mình dành hai ngày một đêm để coi bộ phim này, coi xong mình cảm thấy thương ông và yêu mến sự ngây thơ, trong sáng và hết lòng vì lý tưởng của ông.
Wild Wild Country là bộ phim tài liệu ra mắt tháng 3/2018, phỏng vấn những người có liên quan trực tiếp đến hoạt động của Bhagwan trong thời gian ở Mỹ và cái chết của Osho sau này, kèm rất nhiều đoạn video và tư liệu còn được lưu giữ. Có hai người mình rất là ấn tượng và có tình cảm đặc biệt là Sheela – thư ký riêng của Bhagwan và Niren – một học trò và luật sư thân tín, người giúp Bhagwan thoát khỏi vòng lao lý của nước Mỹ sau này. Cả hai người tài năng đều xuất sắc, yêu mến và hết lòng phụng sự Bhagwan.
Sheela là một phụ nữ Ấn Độ xinh đẹp, thông minh, giàu năng lượng và hết sức, hết sức sắc sảo. Bên cạnh Bhagwan, được ông chống lưng là nền tảng tuyệt vời để bà bung hết tất cả tài năng thao lược của mình. Bhagwan cũng nhờ bà hậu thuẫn của bà trong nhiều năm để tạo một tiếng vang lớn để đời trên đất Mỹ và trên toàn thế giới như vậy. Khi không có Bhagwan chống lưng, Sheela không thể làm được việc lớn. Cũng như vậy, khi không có sự yểm trợ hết mình của Sheela, Bhagwan liền rơi vào cảnh đơn độc và lụi tàn. Có thể nói họ là một cặp trời sinh, dựa vào nhau ở một thời điểm nhất định trong cuộc đời để toả sáng.
Sheela gặp Bhagwan ở Mumbai khi bà mới 16 tuổi, do cha bà cũng là một người yêu mến Bhagwan dẫn đến giới thiệu. Bà có tình cảm đặc biệt với Bhagwan từ giây phút cúi đầu dưới chân thầy. Bà nói: ngay giây phút đó nếu phải chết, bà cảm thấy vậy là đủ. Năm 17 tuổi, cha bà gửi sang Mỹ học và ở đây bà gặp chồng bà là người Do Thái. Hai người đã có một khoảng thời gian rất hạnh phúc với nhau. Sau đó cả hai cùng về Ấn Độ và tham gia vào cộng đồng Bhagwan ở Poona. Lúc chồng bà mất vì bệnh, Bhagwan kêu bác sỹ cho bà ngủ ba ngày. Lúc tỉnh dậy, bà bắt đầu một cuộc sống mới và một thời gian sau đó, bà trở thành thư ký riêng của ông thay thế cho Laxim.
Thời gian đó tu viện Bhagwan ở Poona thu hút rất đông các thiền sinh đến thực hành phương pháp thiền động. Dưới thời thủ tướng Ghandi, Bhagwan không được ủng hộ. Cùng với sự thẳng thắn và trực diện của Bhagwan lúc thuyết giáo làm mất lòng và gây phẫn nộ trong cộng đồng tín đồ của tôn giáo khác. Trước tình thế này, Sheela đề xuất Bhagwan sang Mỹ mua đất, một mặt để phát triển trung tâm có sức chứa 10,000 người; mặt khác Mỹ được biết đến như một quốc gia tôn trọng quyền tự do dân chủ và tín ngưỡng của mỗi người dân.
Năm 1981, hai người bí mật sang Oregon và mua 68.000 ha đất ở thị trấn Altonee. Cùng với 50 tín đồ đầu tiên là những người giỏi về thiết kế, kiến trúc và xây dựng khắp nơi trên thế giới đến, dưới sự điều phối của Sheela, họ đã biến vùng đất hoang sơ thành tu viện Bhagwan Rajneesh trù phú, thu hút hàng chục ngàn tín đồ trên khắp thế giới đến sinh sống và thực hành phương pháp thiền động. Mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ với cuộc sống nơi đây. Cùng lúc đó các trung tâm thiền động của Bhagwan do các học trò tổ thành lập ở Châu Âu và Châu Á. Đến mùa lễ hội, các tín đồ kéo về đông vui. Số tiền của trung tâm đó lúc bấy giờ lên đến 38 triệu đô, riêng Bhagwan có 20 chiếc Roll Royce, mỗi ngày đi một chiếc.
Rắc rối phát sinh với người dân địa phương khi phần đông người dân xung quanh đó là người Thiên Chúa Giáo – họ ủng hộ hôn nhân một vợ một chồng và việc có trách nhiệm với gia đình. Điều đó là trái ngược với những tư tưởng của Bhagwan. Thêm nữa Sheela đã đi trước một bước là mua lại tất cả những ngôi nhà được rao bán trong thị trấn, cà phê, khách sạn, nhà hàng làm cho người dân địa phương cảm thấy họ bị mất quyền kiểm soát trong cộng đồng. Chính quyền vì vậy cũng không lấy làm an tâm nhưng chưa làm gì được vì họ chưa phạm pháp.
Tình tiết mâu thuẫn giữa người dân địa phương và cộng đồng Bhagwan ngày càng đẩy lên vì nhiều sự việc khác nhau, nhưng đỉnh điểm là khi có một nhóm Holywood đến nhập môn, dẫn đầu là Haysa, vợ của đạo diễn phim Bố già. Nhóm này tặng ông đồng hồ, nhẫn kim cương và ngày một tiếp cận với Bhagwan nhiều hơn và được Bhagwan phân quản lý một tu viện mới thành lập. Sheela trước tình thế đó cảm thấy mình bị yếu thế. Sheela không thích những người phụ nữ khác có mối quan hệ thân mật với Bhagwan ngoài cô. Cho nên cô đặt băng nghe lén các cuộc trò chuyện của tất cả những người đến nói chuyện với Bhagwan.
Một trong những nội dung trò chuyện mà băng thâu lại được là khi Bhagwan hỏi bác sỹ riêng của mình cách chết sao cho nhẹ nhàng. Ông bác sỹ này tư vấn là tiêm thuốc phiện vào mạch, sau đó tiêm trợ tim như thế nào. Điều này cho thấy Osho đã có ý định kết liễu đời mình trước đó. Khi biết được vậy, Sheela vốn hết lòng với sự sống và an toàn của Bhagwan nên tìm cách ngăn chặn việc Bhagwan tự tử. Họ nghĩ ra cách giết ông bác sỹ đó.
Jane (đến từ Perth, Úc) là người nhận nhiệm vụ này nhưng ám sát không thành. Sau vụ đó Sheela có sự đấu tranh nội tâm dữ dội, bà khóc suốt hai đêm, nên quyết định rời bỏ tu viện bằng máy bay trong đêm cùng hơn 20 người trong core team của bà (ở tu viện có sân bay và khá nhiều máy bay). Họ đều là những tín đồ thân tín của Bhagwan, cảm kích trước sự trung thành và phụng sự của Sheela nên theo bà. Họ bay đến Zurich (Đức) và tạm trốn ở đó.
Về phần Bhagwan, sau khi Sheela bỏ trốn, ông kết thúc 3.5 năm tịnh khẩu và bắt đầu nói chuyện. Việc đầu tiên ông làm là tố Sheela với chính quyền và FBI vào cuộc điều tra việc Sheela biển thủ 41 triệu đô bỏ trốn. Nhưng thay vì chỉ tập trung vậy, Bhagwan vốn là cái gai trong mắt chính quyền đã lâu, nên đây là cơ hội tốt tìm những điểm sơ hở của Bhagwan để dẹp luôn cái tu viện lạ đời này.
Cuối cùng, hay không bằng hên, dưới rất nhiều áp lực của những chuyện tào lao, ông cùng gần chục tín đồ của mình lái máy bay bỏ trốn trong đêm, và đây là lý do chính buộc tội Bhagwan. Khi bị bắt, ông bị luân chuyển khắp các nhà giam quanh nước Mỹ trong ba tuần, để cảm giác tội lỗi được hình thành và người bị bắt dần dần quy phục, đầu hàng nhận tội.
Bhagwan sinh động, cháy hết mình khi nói về tiềm thức, về thiền định, về tình yêu, về cuộc sống bao nhiêu thì ông lại vụng về trong việc đời bấy nhiêu. Ông hỏi Niren, người học trò thân tín và là luật sư Mỹ về việc chứng minh sự vô tội của ông. Niren trả lời: có thể Bhagwan sẽ thắng ở quan toà nhưng sẽ mất 6 tuần đối chất suốt ngày, và nếu có thắng thì chính quyền vẫn theo dõi tìm ra các lỗ hỏng để bắt ông trở lại. Nhưng có một cách khác là để Niren thương thảo cho ông ra khỏi nước Mỹ về Ấn và Bhagwan làm theo phương án thứ hai. Bhagwan quay trở lại tu viện Poona và sống 5 năm cuối đời ở đó. Ông chết cũng do tiêm thuốc quá liều bởi bác sỹ riêng. Ý tưởng tự sát không thành đã có từ trước đó.
Niren cũng quay lại Ấn với ông. Tình cảm thầy trò của Niren và Bhagwan làm mình rất là rung động, rất là rung động. Niren nói: “Nước Mỹ đã thất bại khi không nhận ra và bảo vệ một con người rất đẹp như Bhagwan”. Âu cũng là định mệnh.
Khi Bhagwan bị bắt thì ở Đức, Sheela cùng hai người nữa đồng thời cũng bị bắt đưa về Mỹ ra toà và chịu án 10 năm và phạt hơn 400 ngàn đô. Ra tù, Sheela quay trở về Zurich và mở một viện dưỡng lão và đem những điều Bhagwan dạy ứng dụng trong công việc này: hát, nhảy và sống những năm cuối đời ở Đức.
Câu cuối cùng của bộ phim, bà nói: “Tôi không biết khi chết đi tôi sẽ lên địa ngục hay thiên đàng, điều đó không thành vấn đề. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi sẽ làm cho nơi đó trở thành thiên đường”. Bà đã sống một cuộc đời rực rỡ, bung lụa hết cỡ, can trường, dám làm dám chịu và không hối tiếc những gì đã qua. Nhiêu đó là quá đủ cho một kiếp sống.